Firmware mã nguồn mở, ổn định, giá vừa phải, quá lý tưởng cho một chiếc router wifi cho nhu cầu sử dụng bình dân.
Chiếc router 11 tuổi của Linksys
Trong một thời kì mà người dùng nâng cấp đồ chơi công nghệ của mình mỗi hai hay ba năm, một vài sản phẩm vẫn trường tồn cùng năm tháng. Một trong những “minh chứng sống” là Linksys WRT54GL, cục phát wifi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2005 và giờ vẫn còn được bày bán. Nếu chỉ lướt qua, sẽ khá khó để thuyết phục người ta mua chiếc router này vào năm 2016 khi nó chỉ có wifi chuẩn 802.11g. Chuẩn G vốn đã bị vượt mặt bởi các hậu bối N, AC nhiều năm nay. Nó truyền dữ liệu trên tần số 2.4 GHz, vốn đã đầy các thiết bị không dây khác như chuột hay bàn phím không dây, với tốc độ bị giới hạn ở 54 Mbps. Bạn thậm chí có thể mua một chiếc router mới hơn, tốc độ cao gấp hơn 20 lần cũng như có tần số 5 GHz tích hợp sẵn với số tiền ít hơn. Thế nhưng, WRT54GL vẫn mang về cho Linksys hàng triệu USD mỗi năm dù họ chẳng buồn thay đổi cấu hình hay thiết kế.
“Thật thà mà nói, tôi vẫn chưa thể giải thích hoàn toàn được điều này” – Quản lý sản phẩm toàn cầu của Linksys, Vince La Duca. Linksys sẽ không dừng sản xuất chừng nào các đối tác còn cung cấp các linh kiện để lắp ráp WRT54GL, bao gồm Broadcom.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất khi người dùng vẫn mua nó”, trích lời La Duca. Tuy không được quảng bá nhiều bởi Linksys, WRT54GL vẫn được khẳng định là mã sản phẩm nhiều triệu USD bởi La Duca. Linksys vẫn bán WRT54GL trên website của họ với giá 69,99 USD. Như vậy, Linksys sẽ cần bán khoảng 28.576 chiếc router để có thể mang về ít nhất 2 triệu USD doanh thu. Con số có thể lớn hơn khi giá bán của nó chỉ là 42.95 USD trên Amazon. Rất tiếc, con số cụ thể không được tiết lộ. WRT54GL cũng như các sản phẩm khác trong dòng WRT54G đã bán ra 31 triệu sản phẩm trong suốt vòng đời 14 năm. WRT54GL là đại diện duy nhất còn đang được sản xuất và bán ra.
Những khách hàng hài lòng Tại sao người ta vẫn mua WRT54GL? La Duca cho rằng những yếu tố là sự ổn định của sản phẩm, thương hiệu đã được khẳng định cũng như hỗ trợ firmware mã nguồn mở để có thể mở rộng các chức năng câng cao. Người dùng có thể dễ dàng cài đặt firmware mới, thay thế cho firmware đã hơn chục tuổi của WRT54GL, với phần mềm từ các hãng thứ ba như DD-WRT hay OpenWrt. La Duca chia sẻ rằng nhiều người nói rằng họ sở hữu nó, hoạt động ngon lành hoặc một người bạn của họ sở hữu một chiếc WRT54GL và nó vẫn chạy ngon nên họ đi mua một chiếc tương tự. Khách hàng cũng biết rằng họ có thể chạy DD-WRT để dùng WRT54GL làm hotspot có VPN. Mặc dù những thứ đó có thể được thực hiện trên những router đời mới, nghịch ngợm một chút trên WRT54GL được coi như một thú chơi. Ngoài các khách hàng gia đình, các doanh nghiệp nhỏ cũng sử dụng WRT54GL để phát wifi trong văn phòng. Chính cái tên của thiết bị cũng nói lên tính “mở” của nó khi L đại diện cho “Linux”, WRT là “Wireless Router”, 54 hiển thị tốc độ ở Mbps và G là chuẩn 802.11g.
Giao diện thiết lập của WRT54GL
Rất nhiều đánh giá của khách hàng trên website của Amazon cũng như Linksys cho thấy nhiều người dùng mua mới trong vài tuần gần đây đều hài lòng với sản phẩm.
“Tôi đã từng sở hữu quá nhiều router đến mức tôi không đếm nổi được nữa. Qủa thực là một chiếc router nồi đồng cối đá” – một người mua trên Amazon vào tháng 6 năm nay.
“Vô cùng hài lòng với sản phẩm. Tôi vừa thay chiếc router Linksys 10 năm tuổi của mình với cùng model. Không thể hạnh phúc hơn” – một đánh giá khách vào ngày 19 tháng 6. Một người dùng mới mua chiếc WRT54GL vì
“Một anh bạn thạo máy tính đã tư vấn cho tôi chiếc router này”. Một khách mua mới cũng chia sẻ anh ta sử dụng WRT54GL với DD-WRT để cung cấp giải pháp không dây cho khách hàng.
“Tôi nghĩ tôi có hơn 20 chiếc router loại này và tất cả đều hoạt động ngon”. Một đánh giá khác vào vài tuần trước:
“Chiếc router này thuộc dạng cổ điển. Rõ ràng phải có lí do để người ta vẫn sản xuất và bán nó suốt hơn 10 năm qua!”. Người viết đánh giá này cũng có nhắn nhủ rằng WRT54GL không phải là dạng router đời mới với đa băng tần hay tốc độ chạm mức gigabit nhưng vẫn có lí do để mua nó.
“Tôi thích một chiếc router với antenna lộ có thể chỉnh hướng tuỳ ý. Tôi không tin vào những chiếc antenna gắn trong vốn chỉ là vài lá đồng trên bảng mạch. Chiếc WRT54GL rất dễ sử dụng, giao diện cài đặt trực quan phục vụ tốt cho việc port forward hay các chức năng cơ bản khác. Chưa kể bạn có thể thêm chức năng cho nó qua firmware của DD-WRT. Tôi có thể biến nó thành một thiết bị mạng sử dụng firmware của hãng thứ 3 qua những hướng dẫn trên mạng vô cùng đơn giản. Nói chung, nó là một chiếc router có chất lượng tốt, hợp túi tiền cho người dùng bình dân”. Một bình luận khác cho thấy với việc hỗ trợ firmware mã nguồn mở, một thiết bị phần cứng cũ có thể trở nên vô cùng hấp dẫn. Linksys có bán những chiếc router hỗ trợ 802.11ac với giá khoảng 50 USD. Tuy nhiên, những chiếc Linksys đời mới hỗ trợ mã nguồn mở khá ít lại có giá tương đối cao. Một vài ví dụ như WRT1200AC, WRT1900AC và WRT1900ACS đều có giá từ 150 USD đến 210 USD. Trong khi một số người dùng mua mới WRT54GL, một số khác vẫn đang sử dụng một chiếc WRT54GL hơn 10 năm tuổi.
“Tôi mua một chiếc đã qua sử dụng 11 năm trước”, một người viết trên trang sản phẩm của Linksys. “Tôi vẫn có thể vừa chơi Xbox Online vừa stream phim lên TV thông minh. Tôi đã thấy vô cùng ấn tượng khi con đồ cổ của mình có thể sống lâu và vẫn hoạt động tốt như ban đầu thế. Chưa bao giờ tôi gặp vấn đề về khoảng cách phát sóng. Tôi có thể chia sẻ mạng không dây với những người khác trong khu tập thể của mình hay sử dụng nó cho một ngôi nhà hai tầng với tầng hầm mặc dù router đặt trên tầng cao nhất. Tôi chắc chắn sẽ mua một chiếc mới khi chiếc đang dùng hỏng.” Bill Gates vào năm 1999: “Tại sao không gọi nó đơn giản là router?” Karen Sohl là nhân viên thứ 41 của Linksys, gia nhập công ty vào năm 1999. Bà chưa từng nghỉ việc. Sohl từng phải kiêm nhiệm rất nhiều vai trò, thường thấy ở các công ty nhỏ, trong bộ phận Quan hệ công chúng, Quảng cáo… Bà hiện đang là giám đốc truyền thông toàn cầu của Belkin, vốn được mua lại bởi Linksys từ Cisco vào năm 2013. Bà Sohl hồi tưởng về đợt ra mặt của chiếc WRT54G đầu tiên vào tháng 12 năm 2002: “Sản phẩm này đã làm nên cả công ty”. Linksys thời điểm đó cũng bán ra các router không dây sử dụng chuẩn 802.11b với tốc độ chỉ 11 Mbps trong khi WRT54G tương thích với cả hai chuẩn 11b và 11g. Trước đó, Linksys là công ty chuyên về router không có khả năng phát sóng wifi, thường được sử dụng trong việc kết nối các máy tính cũng như máy in với nhau trong một mạng nội bộ. Trước khi bán router, Linksys bán giải pháp mạng nội bộ gia đình với cục chuyển mạch 5 cổng và 2 card LAN. Theo lời bà Sohl, đồng sáng lập Linksys, Victor Tsao, đã đưa ra một quyết định táo bạo với việc hoán cải router doanh nghiệp để các máy tính cá nhân có thể chia sẻ kết nối internet. Linksys đã hé lộ router dành cho người tiêu dùng đầu tiên của họ tại hội nghị COMDEX tháng 11 năm 1999, trước khi chính thức được giới thiệu. Cái tên khi đó là “Intergrated Internet Hub”, thiết bị trung tâm kết nối internet tích hợp.
“Bill Gates đã đi tới gian hàng của chúng tôi và nói ‘Tại sao các bạn không đơn giản gọi nó là router?’”, theo bà Sohl. Linksys do đó đã đổi tên sản phẩm của mình, đặt tên là “Broadband EtherFast Router”. La Duca chỉ mới làm việc cho Linksys được ba năm nhưng router không wifi đầu tiên của ông là hàng Linksys, từng được dùng để kết nối internet cho 2 chiếc máy tính cá nhân ở nhà.
“Tôi vẫn còn giữ nó đến ngày hôm nay. Nó nằm trên bàn tôi, dưới chiếc WRT54GL, vì chúng được xếp chồng lên nhau,” La Duca chia sẻ. Khi Linksys hồi sinh màu xanh cổ điển của WRT54G lên thiết kế của chiếc router chuẩn 802.11ac mới của mình vào năm 2014, họ còn hồi sinh cả thiết kế với khả năng xếp chồng lên nhau của WRT54G.
WRT1900AC xếp chồng lên một cục chuyển mạch 8 cổng
Những ý kiến trái chiều về mã nguồn WRT54GL cũng như dòng WRT1900AC mới sẽ không tồn tại nếu không có một quyết định được đưa ra vào năm 2003 sau khi Cisco mua lại Linksys. Ban đầu, đó là một ý tưởng tồi: Cisco thay firmware dựa trên Linux bằng nền tảng VxWorks, gây khó khăn trong việc tải firmware mã nguồn mở. Sau khi gặp phải những phản ứng dữ dội từ phía khách hàng, Linksys đã tái phát hành phiên bản cũ của WRT54G vào cuối năm 2005 với cái tên mới, WRT54GL, đưa Linux về lại vị trí vốn có của nó. Không những thế, Cisco còn từng bị kiểu bởi Hiệp hội phần mềm miễn phí (Free Software Foundation), do không cung cấp mã nguồn của firmware. Vào năm 2009, phương án hoà giải đã được Cisco chấp thuận với việc tuân theo giấy phép phần mềm miễn phí GPL và ủng hộ một khoản tiền cho FSF. Tưởng chừng đây là một đòn giáng mạnh vào hình ảnh của Linksys với công chúng, bà Sohl nói: “điều tưởng như là một tình thế tồi tệ lại trở thành một điều tích cực vì nó giúp chúng tôi nghiên cứu sâu hơn và xích lại gần hơn với cộng đồng.” Quan hệ của Linksys với cộng đồng mã nguồn mở đến nay vẫn rất tốt đẹp. Sự kết hợp của OpenWrt và nhà sản xuất chip Marvell là một minh chứng không thể sống động hơn. Dự án này đảm bảo rằng các firmware mã nguồn mở sẽ có thể đc cài trên các router WRT đời mới bất chấp luật FCC, định luật bắt buộc các nhà sản xuất router chặn việc tải fimware từ bên thứ ba. Thực tế định luật FCC mới chỉ áp dụng cho tần số 5 GHz nên WRT54GL sẽ không cần phải chỉnh sửa. Một điều ngạc nhiên là WRT54GL vẫn thỉnh thoảng nhận được những bản cập nhật phần mềm từ Linksys. Bản mới nhất được phát hành hồi tháng Một để sửa “lỗi trong quá trình sản xuất, không ảnh hưởng đến người dùng cuối. Một bản cập nhật trước đó vào tháng 6 năm ngoái cũng sửa rất nhiều lỗi về bảo mật.
10 chiếc WRT54GL của một người sử dụng (Nguồn: SuperSpy)
Linksys vẫn hỗ trợ hậu mãi cũng như một năm bảo hành cho WRT54GL mua mới, như bao sản phẩm khác của họ.
“Nếu bạn có ý định mua một chiếc 54GL hôm nay và cần giúp đỡ trong việc cài đặt, hãy liên hệ với đội ngũ kĩ thuật của chúng tôi để được trợ giúp.”– La Duca.
Tham khảo Ars Technica Nguồn: GENK (http://genk.vn/da-11-nam-tuoi-nhung-chiec-router-qua-tot-nay-van-mang-ve-hang-trieu-usd-cho-linksys-20160706023553385.chn)]]>